Viêm da cơ địa được xem là một bệnh lý mãn tính với biểu hiện đem lại cảm giác ngứa ngáy cho người bệnh kèm theo đó là một loạt những triệu chứng như hen suyễn, viêm mũi dị ứng, sốt cỏ khô… Để hiểu hơn về triệu chứng, quá trình tiến triển, biến chứng, phương pháp điều trị loại bệnh lý này, bạn hãy cùng La Hues theo dõi bài viết sau.
Viêm da cơ địa - triệu chứng và dấu hiệu
Viêm da cơ địa (bệnh chàm thể tạng, chàm cơ địa, liken đơn dạng mãn tính hay eczema) là bệnh da thường gặp, tiến triển mạn tính và hay tái phát. Bệnh học này có tên tiếng Anh là Atopic Dermatitis - một thuật ngữ chỉ bệnh viêm da mãn tính, luôn kéo dài dai dẳng, dễ tái phát và được hình thành bởi sự tăng sinh quá mức các IgE trong huyết tương.
Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm da cơ địa là gì? (Ảnh: Sưu tầm Internet)
Triệu chứng rõ nhất của viêm da cơ địa là các nốt ban màu đỏ hồng nổi trên da khiến da bị dày sừng và luôn khô ráp, ngứa ngáy. Chàm cơ địa có xu hướng khởi phát trong những năm đầu đời, chủ yếu trong giai đoạn trẻ từ 2-24 tháng tuổi. Trong đó, có hơn 50% trẻ khỏi bệnh khi đến tuổi trưởng thành.
Viêm da cơ địa thường xu hướng khởi phát trong những năm đầu đời và có khả năng tồn tại suốt đời. Nguyên nhân sâu xa gây nên bệnh cảnh viêm da cơ địa đến từ sự tương tác giữa các yếu tố: môi trường, suy yếu hàng rào bảo vệ da và rối loạn đáp ứng miễn dịch.
Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh
Viêm da cơ địa thuộc loại bệnh lành tính bởi bản chất nó chỉ gây ra những tổn thương ngoài da và gần như không tác động đến sức khỏe. Căn bệnh này có khả năng xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng thường có xu hướng xảy ra với trẻ nhỏ.
Viêm da cơ địa ở trẻ dưới 2 tuổi
Thường khởi phát lúc trẻ 2 – 3 tháng tuổi, bệnh diễn biến cấp tính.
Tổn thương da là các đám mụn nước trên nền dát đỏ, chảy nhiều dịch, ở vùng má, trán , cằm, có tính chất đối xứng, tiến triển qua 5 giai đoạn: tấy đỏ, mụn nước, chảy nước, đóng vảy, bong vảy.
Viêm da cơ địa ở trẻ nhũ nhi. (Ảnh: Sưu tầm Internet)
Viêm da cơ địa ở trẻ từ 2 – 12 tuổi
Thường gặp ở độ tuổi mẫu giáo, 2 – 5 tuổi, bệnh diễn biến bán cấp.
Tổn thương da là các dát sẩn trên nền da đỏ, tập trung từng mảng hoặc rải rác, ở vị trí mặt duỗi chi hoặc nếp gấp 2 bên, đối xứng, có thể gặp tình trạng dày da, lichen hóa khi trẻ ngứa, cào gãi nhiều.
Viêm da cơ địa ở trẻ lớn. (Ảnh: Sưu tầm Internet)
Viêm da cơ địa ở người lớn
Bệnh khởi phát từ khi còn nhỏ, hoặc khởi phát ở giai đoạn trưởng thành.
Tổn thương da là các vùng dày da, liken hóa, các vết nứt da, ở các nếp gấp lớn, lòng bàn tay, lòng bàn chân,...
Các biểu hiện viêm da cơ địa khu trú có thể gặp: chàm mi mắt, chàm núm vú, viêm môi bong vảy, chàm đồng xu,...
Chàm mí mắt. (Ảnh: Sưu tầm Internet)
Các tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh
Có nhiều bộ tiêu chuẩn để chẩn đoán Viêm da cơ địa, trong đó bộ tiêu chuẩn của Hanifin và Rajka (1980) vẫn được các bác sĩ lâm sàng lựa chọn sử dụng nhiều nhất.
Chẩn đoán xác định khi có ít nhất 4 tiêu chuẩn chính và 23 tiêu chuẩn phụ.
4 tiêu chuẩn chính
1. Ngứa
2. Viêm da mạn tính, tái phát
3. Hình thái và vị trí tổn thương điển hình
Ở trẻ em: chàm khu trú ở mặt, vùng duỗi chi
Ở trẻ em và người lớn: dày da, lichen hóa vùng nếp gấp
4. Tiền sử cá nhân hay gia đình có bệnh lý dị ứng (hen phế quản, viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc dị ứng, dị ứng thức ăn)
23 tiêu chuẩn phụ
1. Khô da
2. Viêm môi
3. Đục thủy tinh thể trước
4. Viêm kết mạc, kích thích ở mắt tái phát
5. Mặt đỏ, tái
6. Dị ứng thức ăn
7. Chàm bàn tay
8. Tăng IgE
9. Phản ứng da tức thì type 1 dương tính
10. Da dễ bị nhiễm trùng và hay tái phát
11. Ngứa khi ra mồ hôi
12. Vảy phấn trắng
13. Chứng da vẽ nổi
14. Giác mạc hình chóp
15. Tổn thương giống dày sừng nang lông
16. Tuổi phát bệnh sớm
17. Chàm núm vú
18. Nếp dưới mắt Dennie – Morgan
19. Quầng thâm quanh mắt
20. Nếp lằn cổ trước
21. Không chịu được len, chất hòa tan mỡ
22. Tiến triển bệnh bị ảnh hưởng bởi yếu tố tinh thần và môi trường
23. Ban đỏ, ban xanh ở mặt
Quá trình tiến triển viêm da cơ địa
Theo nguyên cứu của các chuyên da bệnh học da liễu, có đến:
70% bệnh nhân viêm da cơ địa ở trẻ em tự khỏi khi lớn lên, 30% tiến triển dai dẳng
30% - 50% bệnh nhân viêm da cơ địa phát triển thêm các bệnh lý dị ứng khác đi kèm như dị ứng thức ăn, hen phế quản, viêm mũi dị ứng ...
Biến chứng của viêm da cơ địa là gì?
Tuy được xét vào loại bệnh lý lành tính thế nhưng viêm da cơ địa lại ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng cuộc sống của người bệnh như:
- Đem lại cảm giác ngứa ngáy nhiều khiến bệnh nhân giảm tập trung, chú ý, ngủ kém ảnh hưởng đến chất lượng học tập, làm việc
- Tổn thương vùng da hở, đặc biệt ở mặt gây mất thẩm mỹ, làm giảm sự tự tin trong giao tiếp
- Tăng nguy cơ bị các bệnh lý nhiễm trùng da như viêm da cơ địa chốc hóa, eczema herpesticum, eczema Coxsackie…
Eczema herpesticum ở cổ, bàn tay phải của một sản phụ 25 tuổi. (Ảnh: Sưu tầm Internet)
Điều trị viêm da cơ địa như thế nào?
Đối với bệnh lý mãn tính này, nguyên tắc điều trị, điều trị tại chỗ và điều trị toàn thân là điều bắt buộc mà bạn cần nắm được và làm theo.
Nguyên tắc điều trị
Điều trị sớm và lâu dài
Phối hợp điều trị tại chỗ và toàn thân
Điều trị đúng theo từng giai đoạn bệnh
Điều trị các bệnh lý dị ứng đồng mắc
Điều trị bệnh lý nhiễm trùng (nếu có)
Giáo dục, tư vấn cho người bệnh và người nhà
Điều trị tại chỗ
Giai đoạn cấp tính (tổn thương mụn nước, xuất tiết nhiều): dung dịch Jarish, Yarish, đắp tổn thương
Giai đoạn bán cấp (tổn thương mụn nước, dát đỏ, ít/không xuất tiết): hồ nước, kem corticoid
Giai đoạn mạn tính (dày sừng, lichen hóa): mỡ corticoid, mỡ kháng sinh, mỡ tacrolimus, mỡ salicylic (bạt sừng, bong vảy)
Dưỡng ẩm: người bệnh viêm da cơ địa nên sử dụng dưỡng ẩm thường xuyên, duy trì lâu dài, bôi ít nhất 2 lần/ngày, tăng tần suất về mùa đông.
Corticoid bôi: tùy từng đối tượng bệnh nhân, tính chất và vị trí tổn thương để lựa chọn loại corticoid và thời gian bôi cho phù hợp
- Trẻ em: corticoid hoạt tính yếu (hydrocortisone 1 – 2,5%)
- Trẻ lớn và người lớn: sử dụng corticoid hoạt tính trung bình – mạnh cho vùng da chi, thân mình (trừ vùng mặt, nếp kẽ là các vùng da mỏng, nhạy cảm)
Tacrolimus/Pimeclimus bôi: sử dụng cho vùng mặt, nếp kẽ và có thể sử dụng dài ngày mà ít gây tác dụng phụ như corticoid (đỏ da, giãn mạch, nhiễm trùng)
Điều trị toàn thân
Kháng histamin để giảm ngứa
Kháng sinh khi có bội nhiễm
Corticoid ngắn ngày trong trường hợp tổn thương da bùng phát mạnh
Thuốc ức chế miễn dịch đường uống: cyclosporin, methotrexate ...
Các phương pháp điều trị khác như liệu pháp ánh sáng: PUVA, UVA, UVB, laser He – Ne
Phương pháp phòng bệnh viêm da cơ địa
Dưới đây là một số phương pháp phòng bệnh mà bạn cần biết về viêm da cơ địa:
- Không tắm các loại nước lá, không tắm bằng xà phòng tắm, không tắm nước quá nóng, tắm quá lâu. Sử dụng các loại sữa tắm dịu nhẹ phù hợp riêng cho tình trạng viêm da cơ địa.
- Không ăn các loại thực phẩm nghi ngờ dị ứng
- Bôi thoa các loại dưỡng ẩm thường xuyên, quanh năm
Bài viết trên đã đem lại cái nhìn tổng quan nhất về viêm da cơ địa. Nếu bạn đang gặp phải tình trạng da liễu tương tự bài viết này, hãy nhanh chóng liên hệ với phòng khám chuyên khoa da liễu La Hues để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Chúc các bạn nhiều sức khỏe!